Quan hệ với chư hầu Lỗ_Chiêu_công

Ba họ con cháu Lỗ Hoàn công là Thúc, Mạnh và Quý chia nhau nắm quyền nước Lỗ, Chiêu công còn rất ít quyền hành. Năm 541 TCN, Quý Vũ Tử đánh chiếm đất Vận của nước Cử. Tháng 3 năm đó chư hầu hội họp, vua Cử mang việc ra bá cáo với chư hầu. Triệu Mạnh nước Tấn muốn bắt sứ nước Lỗ là Thúc Tôn Báo. Có người khuyên Thúc Tôn Báo lấy đai ngọc quý đút lót nước Tấn để thoát tội. Thúc Tôn Báo từ chối và tuyên bố nhận lỗi về nước Lỗ, vì nếu mang của báu cho nước khác thì nước Lỗ sẽ bị đánh để lấy của, làm hại cho nước[5].

Triệu Mạnh nước Tấn nghe vậy rất phục Thúc Tôn Báo trung thành với nước Lỗ, không chối lỗi, không sợ uy của bá chủ, nên tha cho Báo.

Năm 540 TCN, Lỗ Chiêu công sang triều kiến nước Tấn. Năm 539 TCN, Sở Linh vương hội chư hầu ở đất Thân, mời Lỗ Chiêu công đến nhưng ông cáo bệnh không đi.

Năm 538 TCN, Lỗ Chiêu công nhân nước Tắng và nước Cử có xung đột, bèn đứng về phía nước Tắng nhỏ bé. Vì người nước Tắng muốn dựa vào nước Lỗ, Lỗ Chiêu công bèn chiếm luôn nước Tắng.

Đại phu nước Cử là Mâu Di mâu thuẫn với vua Cử, bèn mang đất đai mình có theo nước Lỗ. Lỗ Chiêu công thu nhận. Sau đó ông sang triều kiến Tấn Bình công. Nước Cử bèn kiện nước Lỗ với vua Tấn. Tấn Bình công định bắt giữ Lỗ Chiêu công như nghe lời can không nên nhân lúc vua chư hầu tới triều kiến để bắt giữ, nên vua Tấn để Lỗ Chiêu công về nước.

Nước Cử thấy nước Tấn không phân xử bèn mang quân đánh nước Lỗ. Tướng Lỗ là Thúc Cung mang quân ra cự ở Phất Tuyền, nhân lúc quân Cử chưa dàn trận xong thúc quân đánh ngay. Quân Cử thua chạy. Sau trận thắng này họ Quý Tôn sang nước Tấn tạ ơn việc ủng hộ đánh Cử.

Năm 534 TCN, Lỗ Chiêu công được Sở Linh vương mời sang dự lễ khánh thành đài Chương Hoa mới xây xong. Sở Linh vương tặng Chiêu công cái cung quý, sau đó lại hối tiếc. Vỉ Khải Chương biết ý vua Sở bèn đến gặp Lỗ Chiêu công, phân tích lợi hại rằng chiếc cung đó vốn vua các nước Tấn, TềViệt đều muốn có, nếu nước Lỗ được cung thì sắp phải giao chiến với 3 nước kia. Lỗ Chiêu công bèn trả lại chiếc cung.

Năm 532 TCN, Lỗ Chiêu công đem quân đánh nước Cử, chiếm đất Canh[6].

Năm 530 TCN, Lỗ Chiêu công đi hội chư hầu tại đất nhà Chu. Các chư hầu hoài nghi vai trò bá chủ của nước Tấn vì để cho nước Lỗ chiếm ấp Canh của nước Cử, đề nghị Tấn trị tội Lỗ. Tấn Bình công bèn bắt giữ đại phu nước Lỗ là Quý Tôn Ý Như và sai Thúc Hướng sang nói với Lỗ Chiêu công, đề nghị không dự hội. Lỗ Chiêu công ban đầu không nghe, nhưng sau thấy binh lực quân Tấn rất đông, có vài chục vạn người với 4000 cỗ xe[7] liệu thế không chống nổi nên đành phải nghe theo. Sang năm 529 TCN, Tấn Bình công thả Quý Tôn Ý Như về nước Lỗ.

Năm 528 TCN, Tề Cảnh công cùng tướng quốc Án Anh sang nước Lỗ học hỏi về lễ nghi.

Năm 522 TCN, Tề Cảnh công mời Chiêu công đến Tề dự tiệc.

Năm 520 TCN, nước Lỗ và nước Châu xảy ra đụng độ. Nước Châu xây thành ấp Dực, rồi kéo về qua đất Vũ Thành của nước Lỗ, bị người nước Lỗ tại Vũ Thành ngăn lại, bắt 3 tướng nước Châu. Nước Châu đến tố cáo với Tấn Khoảnh công. Tấn Khoảnh công triệu tập nước Lỗ. Lỗ Chiêu công cử Thúc Tôn Xước sang sứ nước Tấn. Vua Tấn giữ lại để đối chất, rồi giữ sứ giả cả hai bên.

Năm 519 TCN, Lỗ Chiêu công bèn thân hành sang nước Tấn xin phân trần, nhưng đi nửa đường bị bệnh phải quay về. Tấn Khoảnh công thấy Lỗ Chiêu công có thành ý, tuy ông chưa sang nước Tấn nhưng vẫn thả cho Thúc Tôn Xước về nước.